Chuyện tôi sắp kể ra dưới đây, có thể bạn đang cho rằng nó cũng gần giống với một số câu chuyện mà bạn đã từng đọc qua.
Tuy nhiên, với những trải nghiệm của chính mình thì tôi cũng tự thấy rằng nó vẫn chất chứa những đặc trưng của riêng tôi.
Tôi dám tin chắc rằng, nếu bạn đủ kiên nhẫn để đọc hết những gì tôi viết trong cuốn sách này thì tôi đã thành công rồi. Vì đó chính là sức mạnh từ niềm tin của bản thân tôi.
Bạn tôi – chị của 3 đứa em gái, từng được sinh ra trong một gia đình không phải là có của ăn của để nhưng so với bạn bè đồng trang lứa thời bấy giờ thì cũng được gọi là “địa chủ” và là “con nhà giàu”.
Những năm tháng học cấp 1, chị em cô ấy luôn được mẹ mua cho những bộ quần áo đẹp, những bộ sách vở mới cóng, mới đến nỗi cô ấy không dám làm nhàu vì rất quý.
Lúc ấy, ngày thì chị em cô cắp sách đi học, đêm thì lại ríu rít nghe bà kể chuyện, đan xen trong trí nhớ của cô – những câu chuyện bà kể vẫn còn văng vẳng, nhẹ nhàng mà thâm sâu.
Mảnh kí ức ấy, đến bây giờ nghĩ lại, thì với cô, nó là một sự “giàu có” không hề nhẹ.
Bởi vì bây giờ, rất hiếm khi tôi thấy trẻ con được cùng nhau thoải mái chơi đùa hoặc không bị bắt học hành mà lại túm tụm với nhau nghe bà kể chuyện.
Những ngày tháng cấp 1 vui vẻ của chị em cô ấy cứ thế trôi qua.
Cho đến khi những người làm trong nhà cô lần lượt ra đi mỗi người 1 hướng để tìm kế sinh nhai thì cũng là lúc tâm hồn của 1 đứa con nít như cô bỗng hóa ưu tư, chập chờn gợn sóng.
Lúc trước, cô thấy mẹ vẫn ngày ngày đi chợ, ngoài những chiếc bánh, bịch chè mỗi khi chợ về thì nhà luôn đầy ắp cơm thịt tinh tươm và đặc biệt là rất ngon miệng.
Sau này, mẹ không còn đi chợ đều, mặt mẹ cũng không còn tươi cười như trước, cha mẹ cô cũng lời qua tiếng lại nhiều hơn…
Thấm thoắt đến kỳ thi cuối cấp để lên lớp 6, trong khi đa số các bạn đều phải thi tốt nghiệp thì tôi và cô ấy nằm trong số ít học sinh được miễn thi, nghĩ đến cảnh cùng thầy cô trốn nép ngoài cửa sổ để ném bài cho bạn, đến bây giờ tôi vẫn không lấy làm xấu hổ mà vẫn nâng niu nó như một kỉ niệm khó quên.
Đến lúc sắp bước vào năm học mới, cô cũng chưa thấy mẹ đả động gì đến chuyện mua sách, cô đành âm thầm đạp xe qua nhà người quen có chị bạn học trước 1 lớp để mượn.
Anh em nhà cha cô cũng có những người học trước nhưng lại có anh chị học cùng với cô thế nên không thể mượn được.
Vì hoàn cảnh lúc đó, không phải mua sách giáo khoa là cũng đã để dành được một khoản đáng kể nên gia đình nào cũng cố gắng tiết kiệm nhất có thể.
May thay khi cô đến nhà người quen thì chị ấy vẫn chưa cho ai mượn, cô thật sự vui mừng khi được cầm trọn chúng trên tay.
Cô còn hứa với chị sẽ giữ gìn thật cẩn thận, đến khi học xong sẽ trả lại chị.
Chị cười và còn bảo với cô rằng “Em giữ được thì tốt, không thì cũng không sao.
Mà không trả lại cũng được vì nhà chị không có ai học nữa! Sang năm học xong chị lại cho em mượn, yên tâm nha”.
Nghe những điều chị nói, trong lòng cô lâng lâng khó tả, rồi cô cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài câu cám ơn và chào chị ra về.
Sâu trong cô, dấy lên lòng biết ơn vô hạn.
Có thể bạn không hẳn tin điều tôi vừa kể nhưng nếu bạn đã từng như chúng tôi, đã trải qua những ngày tháng cơ cực thì sẽ không hoài nghi điều đó.
Tôi nói như vậy, không hề có ý gì khác, mà chỉ là như đang thay cô ấy – thể hiện sự cảm kích với người đã từng giúp đỡ mình.
Nói cụ thể hơn cho bạn dễ hình dung – là bạn sẽ rất biết ơn 1 người nào đó khi họ sẵn sàng hỏi nhỏ “Có cần giúp đỡ gì không?” và chẳng mảy may suy nghĩ cho bạn mượn 1 số tiền không nhỏ để trang trải qua ngày mà cũng không màng đến chuyện khi nào bạn trả.
Họ sẵn lòng giúp đỡ bạn không phải vì họ quá dư dả, họ vui vẻ ủng hộ bạn không phải họ muốn tỏ ra là người cao thượng mà là chính bản thân họ đã là một người rất vĩ đại rồi nên không cần phải tỏ ra như vậy.
Tôi không nghĩ quá sâu xa, nhưng tôi thiết nghĩ rằng: người mà bạn giúp đỡ họ thì chưa hẳn bạn là ân nhân của họ, nhưng người giúp đỡ bạn thì chắc hẳn là ân nhân của bạn.
Còn nếu từ trước đến nay bạn chưa từng phải xin hay vay mượn tiền hoặc cái gì của ai thì tôi xin chúc mừng bạn vì bạn là người cực kỳ may mắn!
Mà thôi, tôi đi dài dòng quá, tôi xin tiếp tục câu chuyện của mình là đến kỳ đóng tiền học thì mẹ cô ấy cũng chẳng nói gì.
Lần lượt các bạn trong lớp đã đóng đủ tiền, chỉ còn cô ấy và vài bạn là chưa đóng.
Giờ giải lao cũng có hỏi han nhau, cô im lặng không đáp.
Còn đứa bạn khác của tôi thì thủ thỉ là “Cha mình nói cứ đi học đi, đóng làm gì cho tốn tiền, không ai đuổi đâu”.
Khoảng thời gian ấy, không ít bạn học chung với tôi cứ lên lớp đều nhưng không hề đóng tiền học, thầy cô nhắc hoài không đóng rồi cũng thôi không nhắc nữa.
Nhưng có bạn của tôi thì nhà nghèo thật, không có tiền đóng học, đến khi đi lãnh thưởng thì cô giáo báo là về nhà xin tiền đóng học rồi nhận giấy khen.
Về nhà cha mẹ cũng không có tiền đóng nên đành nói “Thôi khỏi nhận đi con, vẫn được lên lớp mà”, tôi thấy nó khóc tu tu rồi bỏ chạy ra vườn cà phê nhưng cũng không đuổi theo.
Tôi cũng không dám lại gần an ủi nó vì mẹ tôi cũng đã vay mượn đóng cho tôi để kịp hạn của trường.
Cũng có lẽ vì vậy mà bây giờ muốn đi học thì bạn phải đóng tiền ngay từ đầu, nếu bỏ học là mất tiền ^_^
Vài năm sau, tình hình nhà cô cũng chẳng khá hơn, cô thấy mẹ tất tả nhiều hơn.
Ngày xưa cha cô là trụ cột gia đình, thì bây giờ mọi thứ lại đổ ụp lên đôi vai mẹ. Quên không nói cho các bạn hay, là cha cô không còn đủ sức khỏe để làm việc nuôi sống gia đình sau khi trải qua một lần tai nạn thập tử nhất sinh.
Ngày ấy, lúc nghe tin, cô bàng hoàng thảng thốt nhưng tôi vẫn nhớ rõ là cô không khóc, chỉ im lặng chờ ngày cha xuất viện trở về.
Cái chăn chiên (mền mỏng) mà cha cô đắp khi ở trong viện là chiếc chăn đã theo cô suốt quãng đời sinh viên và hình như tôi nhớ không nhầm thì đến bây giờ cô ấy vẫn còn giữ nó.
Thỉnh thoảng tôi thấy cô ấy lấy nó ra đắp cho con và nói rằng đó là chăn của ông ngoại đã dùng khi nằm viện và mẹ đã đắp nó cho đến bây giờ rồi mắt bỗng nhòa đi…
Quay trở lại với với câu chuyện còn dang dở, tôi xin kể tiếp là năm lớp 8, nhà cô ấy lại không có tiền để đóng học cho cả bốn chị em.
Những ngày ấy, cô nén thở dài, khẽ ngước lên bầu trời trong xanh và ước gì có một phép màu như trong truyện cổ tích – cô ấy cũng như tôi, rất sợ bị đuổi học vì không đóng tiền.
Thế rồi cuối năm, mẹ đưa cho cô 1 cuốn sổ hộ nghèo và nói cô đem đến lớp nộp cho thầy giáo.
Lúc đi nộp sổ trong lòng cô dấy lên một cảm giác khó tả, không phải là ái ngại nhưng cũng không hẳn là thoải mái (lúc đó gia đình nào có sổ hộ nghèo thì không phải đóng tiền học cho con 😛 ).
Thấm thoắt trôi qua, chúng tôi cũng chuẩn bị vào cấp 3, ngày ấy cha cô cũng đi làm lại, thế là cũng có đồng ra đồng vào.
Thời điểm mẹ cô đi chơi nhà bà con ở Gia Lai thì cô ấy là “thủ quỹ” cho cha.
Cầm trong tay rất nhiều tiền nhưng cô chẳng dùng vào việc gì ngoài đi chợ nấu cơm, còn lại là cất kỹ để về đưa mẹ.
Ngày chuẩn bị vào lớp 10 thì chờ mãi cũng không thấy mẹ về để đi nộp hồ sơ.
Cô cũng chẳng biết làm gì, lúc đó ở chợ cũng đã có dịch vụ điện thoại bàn và mấy cây điện thoại thẻ, hình như cô ấy cũng có ra điện nhưng không gặp được mẹ mà chỉ có cậu dì nghe máy.
Thấy bạn bè đi nhập học đã hết, cô ngồi khóc một mình, cứ khóc mãi như vậy.
Nửa tháng sau, tôi nghe cha cô hậm hực nói mẹ và em cô bị tai nạn rất nặng ở Gia Lai, các dì cậu bên ấy giấu đi vì sợ cha cô giận…
Cô đi ra vườn rồi lại ngồi khóc, cô khóc vì thương mẹ, thương em và khóc vì ngày mai đám chúng tôi đã bắt đầu đi học, còn cô thì ở nhà…
Tôi nhớ mang máng là cha cô ấy rất giận và sốt ruột khi biết chuyện mẹ và em cô nhưng cũng không sang đón.
Cũng tầm nửa tháng sau mẹ và em cô mới được cậu dì đưa về nhà, vì sợ về sớm không có ai chăm sóc.
Ngày mẹ về, cô mừng xiết.
Tay mẹ vẫn còn quấn dây vòng qua cổ vì chưa tháo bột, dắt cô đến nhà Hiệu trưởng để xin đi học.
Tuy có thư giới thiệu và trình bày hoàn cảnh gia đình do người quen ở Sở giáo dục viết nhưng cô Hiệu trưởng vẫn từ chối và còn nói thêm rằng “Đi học chứ đâu phải đi chợ đâu mà muốn đi khi nào thì đi”, lần đầu, bạn tôi thấy mẹ mình rơi nước mắt.
Lấy hết can đảm, cô ấy đã quả quyết rằng: “Xin cô hãy cho em học vì các bạn cũng chỉ mới học nửa tháng mà thôi, nếu em theo không kịp thì em hứa sẽ nghỉ ngay”.
Nhưng Hiệu trưởng vẫn kiên quyết từ chối.
Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, ai cũng đều có lý do để quyết định việc của mình, nên chưa bao giờ tôi hay cô ấy dám oán trách vị giáo già đáng kính nọ.
Sau này, khi hàng năm đều đạt giải học sinh giỏi Văn của trường và đại diện tham gia các kỳ thi cấp Tỉnh và Quốc gia thì bạn tôi vẫn luôn tự mỉm cười và nhớ tới ánh mắt hài lòng của cô giáo ấy.
(Nói thêm cho các bạn biết thì từ năm lớp 4 tôi và cô ấy đã đi thi học sinh giỏi Văn và từ đó trở đi năm nào cô ấy cũng đạt giải, còn khả năng viết lách của tôi thì hơi í ẹ ^_^.
Thêm nữa là đa số bạn bè chúng tôi ai cũng phải học lùi lại 1 năm, nhưng thời đó thì số người đi học trễ cũng không ít nên ai cũng tự an ủi mình là không vấn đề gì 😆
Ngày tháng trôi đi, cùng nhau trải qua biết bao sóng gió, cơ cực thì gia đình cô ấy cũng đỡ hơn trước.
Thấm thoắt chúng tôi cũng sắp vào ngưỡng cửa đại học, ngày đi thi đại học về là nghe tin cậu của bạn tôi đã mất và chôn xong xuôi hết cả vài tuần rồi.
Cô ấy im lặng không hỏi nhưng ai cũng nói vì sợ cô làm bài không được nên không báo.
Cô lại đi ra vườn và lại ngồi khóc.
Bởi vì tôi có được biết, cậu là người thương cô ấy nhất, cậu sẵn sàng la mấy đứa em nhà dì khi tự tiện mở tủ sách của mình nhưng lại cười và cất sách đi khi biết cô đọc xong bỏ quên.
Cậu dễ dàng đưa cho cô tờ 500 đồng bắt đi mua 200 đồng nước đá, cô còn khẽ nói “Sao cậu không đưa con tờ 200 đồng?”.
Cậu chỉ nói “Đi đi”.
Cô đi mua đưa tờ 500 đồng người ta không có tiền thối, cô lại đạp xe về đổi lấy tờ 200 đi mua tiếp, tuy vậy trong lòng không hề giận dỗi vì thấy cậu quay đi tủm tỉm cười.
Có lẽ cô ấy đã học được tính nhẫn nại từ đó.
Tôi còn nhớ, ngày nhỏ, cô ấy kể rằng, cậu còn bắt cô giặt quần áo cho cậu, cô cứ xoa xà phòng lên rồi chà rồi đạp rồi xổ nước xong thì đem đi phơi.
Trong lòng cũng không lấy làm ấm ức mà còn vui vẻ vì mình đã biết giặt quần áo.
Buổi tối, cô đi ngang qua giếng, khẽ nghe mợ (vợ của cậu lớn) hỏi sao đồ đó thấy phơi khô rồi sao lại đi giặt.
Cậu cô ấy nói “Em dạy cho nó biết giặt đồ để sau này nó còn biết làm. Nó bôi xà phòng lên rồi phơi cũng được, em đi giặt lại cũng không sao”.
Cô ấy nghe xong chuồn luôn.
Lần dì út nhà cô ấy cưới chồng, ai cũng vui cười hớn hở, riêng cậu của cô lại ngồi khóc một mình.
Cảnh tượng ấy, cô nhớ mãi.
Cậu là thế, rất giỏi trong học hành và công việc nhưng lại không giỏi trong việc bày tỏ tình thương.
Cô ấy rất thương cậu vì cậu thương cô với những việc làm rất khác và cách thương cũng khác.
Thế rồi, cô ấy cũng không đi học đại học thật.
Ngày bạn bè chúng tôi thi được thấp điểm hơn cô ấy kéo nhau đi học đại học thì cô ấy cũng cắp giỏ vào Sài Gòn học trung cấp kinh tế.
Cô ấy không theo ngành văn học như đam mê của chúng tôi thưở trước, tuy nhiên vẫn có được học bổng và cũng đi làm thêm nên Tết về cũng có tiền ngoài tiêu xài thì còn mua quà bánh cho cả nhà.
Thời gian thực tập sắp đến, cô ấy sốt ruột với tôi là chưa biết xin ở đâu vì không quen biết ai cả.
May mắn làm sao cô giáo bộ môn hỏi 1 đám 4 đứa học giỏi bọn họ là có muốn thực tập chỗ công ty bạn cô không.
Bạn tôi như chết đuối vớ được cọc, không cần suy nghĩ mà nhận lời ngay.
Đến bây giờ, khi viết ra những câu chữ này, tôi lại mường tượng ra khuôn mặt lấp lánh của cô ấy khi kể về cô giáo hiền lành cùng với bài dạy cuốn hút sẽ theo cô mãi.
Rồi chưa kịp thi tốt nghiệp thì cô ấy được thầy giới thiệu đi làm (thời chúng tôi học thì ngoài việc làm báo cáo tốt nghiệp, đi bảo vệ thì còn phải thi tốt nghiệp, có lúc tôi cũng nghĩ sao mà rắc rối quá, nhưng sau này nghĩ lại thì thấy rằng cũng nhờ vậy mà mình mới có nhiều kỹ năng hơn).
Sau khi học xong thì tôi thấy cô ấy lại cắp giỏ đi học cao đẳng cũng tại ngôi trường danh tiếng ấy.
Sau đó một thời gian thì lấy chồng, sinh con.
Chúng tôi, bộn bề với cơm áo gạo tiền nên cũng không còn hỏi han, quan tâm nhau như trước.
Nhưng có được nghe khi con gái được gần 2 tuổi cô ấy lại đi học đại học cũng tại một trường danh giá hơn.
Mấy năm sau, có dip gặp lại ở một buổi họp lớp thì tôi được biết là cô ấy đã học xong thạc sỹ, bây giờ đi làm giảng viên và đang là nghiên cứu sinh.
Ngẫm nghĩ về những ngày tháng đã trải qua cùng nhau ở thời sinh viên cũng như tuổi thơ khốn khó tôi thật lấy làm khâm phục cô ở tất cả mọi điều.
Tôi cũng tự đa mang, là thật đáng ngưỡng mộ làm sao khi cái thân hình mảnh dẻ ấy lại chứa đựng một sức mạnh phi thường đến thế!
Ở cái ngưỡng tuổi không già cũng không còn trẻ của chúng tôi thì cô ấy vẫn giữ được những hồn nhiên con trẻ cùng tấm lòng nồng ấm.
Cô ấy làm tôi cũng như đám bạn đã phải tin rằng “Mơ ước sẽ không xa tầm với nếu bạn biết cố gắng, cố gắng không ngừng nghỉ.
Vì tất cả mọi chuyện đều do bạn quyết định, dù thành hay lụi cũng không đáng ngại vì bạn đã cố gắng hết mình, chuyện đâu còn có đó, tự bạn sẽ có cách ngay thôi.
Thay đổi hay không là do bạn lựa chọn, không ai có thể thay đổi được bạn khi chính bạn không muốn thay đổi và hơn hết là không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh hay ai đó khi bạn sa chân…”
Nhìn lại thì cuộc sống ngày ấy của chúng tôi cũng chưa gọi là quá bi đát so với nhiều người khác.
Có người gia cảnh rất đáng thương, cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, cha dượng sớm hôm say xỉn đuổi đánh cùng đường, nhưng họ tự mình gạt phắt đi cái mặc cảm ấy để từng ngày góp nhặt tri thức và trở thành một người có địa vị trong xã hội mà người người nể trọng.
Tự họ đã xem mình như một người bình thường, có hoàn cảnh bình thường như bao người khác để dẹp đi nỗi tự ti và lầm lũi bước tiếp.
Họ đã từng nói với tôi: “Ai cũng có thể khinh mình vì mình nghèo, khinh mình vì hoàn cảnh của mình như vậy, nhưng không ai được phép khinh khi Con Người của mình, mình sẽ không cho họ cơ hội để làm điều đó, vì nếu khi họ có ý định thì đã không còn là đối tượng để mình tiếp xúc chứ đừng nói là giao du”.
Suy cho cùng, như tôi đã đề cập ở trong 1 bài viết khác, chúng ta luôn trăn trở sau này mình sẽ như thế nào và sẽ làm gì để đạt được điều mình mong muốn…
Nhưng tôi thiết nghĩ rằng, những điều đó có vẻ không quá quan trọng.
Bạn chỉ thật sự hạnh phúc, thật sự thoải mái khi bạn được là chính bạn, được hỉ – nộ – ái – ố với cuộc đời, được vô tư bày tỏ và được chấp nhận.
Cuộc sống hay xã hội không nuôi bạn ngày nào, họ có quyền vùi dập, có quyền tôn vinh nhưng không có quyền quyết định bạn trở thành người như thế nào.
Tất cả tùy thuộc ở bạn, tùy thuộc ở ý chí và hơn hết là niềm tin của bạn.
Tin vào chính mình và tin vào những gì mình làm, miễn không phạm vào quy chuẩn nào của xã hội là được.
Như cô bạn của tôi – nhờ niềm tin mãnh liệt vào bản thân mà bây giờ cô ấy có một cuộc sống an yên bên chồng con cũng như công danh rộng mở.
Tuy nhiên, cô ấy không phải là người tham vọng mà chỉ là không ngừng cố gắng, vì cô ấy biết, ngừng phấn đấu là ngừng sống…
*Tử Huyên vô cảm*
Niềm tin là sức mạnh vô biên🌺
Tuy dài nhưng có ý nghĩa.