Chuyện chị làm tóc

  • Kiểu này hợp với mày đó! Vừa trẻ trung vừa hiện đại, lại không sợ bị quê. Ok?

Chị khẽ nháy mắt với tôi. Tôi cũng vốn không nói nhiều khi đến làm tóc ở chỗ của chị, vì bởi vì dường như khác hẳn mọi nơi – tôi đến đây để nghe chị nói, nghe chị trải lòng về những thăng trầm của đời mình. Bởi thế tôi chị “Dạ” để đáp lại chị.

  • Sao mày không cho tao cắt ngắn sớm hơn, như thế này trông mày rất tuyệt, khối thằng lại đeo…Đúng là phụ nữ, khi nhận ra thì đã quá muộn…

Chị huyên thuyên một hơi như thể hiểu tận ngóc ngách cuộc đời, như thể người đã dạn dày sương gió.

Bao nhiêu năm nay tôi vẫn luôn làm tóc chỗ chị.

Nó chẳng phải một Hair Salon hoành tráng, cũng chẳng có nhân viên, chẳng máy móc hiện đại.

Chỉ có vừa đủ dụng cụ cho hành nghề cắt tóc và tạo mẫu giản đơn.

Căn nhà của chị chỉ vỏn vẹn 4 mét vuông, nằm cuối con hẻm lổn nhổn đá.

Chị bảo tài sản lớn nhất của chị là đứa con gái 17 tuổi và đứa cháu ngoại vừa chưa tròn 1 tuổi.

Bởi trong nhà, ngoài chiếc ti vi cũ kỹ thì cũng chẳng có gì đáng giá.

Tôi nhớ có lần đang ở chỗ của chị bỗng giật thót mình vì chị đánh cái bốp vào tivi để nó không bị nhiễu hình.

Ở chị chẳng có vẻ sang trọng, đẹp xinh như các cô gái ở các tiệm gội đầu tôi hay thấy.

Mà ở chị luôn hiện rõ sự già nua, vất vả, mỏi mệt. Nó hằn sâu lên mặt, lên tóc bằng những vết chân chim, vết đốm…

Hoa sen

Chị bảo số chị khổ, bởi câu nói gò má cao sát phu nên mẹ con chị lầm lũi sống bên nhau mười mấy năm nay.

Chị mồ côi từ bé, vạ đâu ăn đó, vạ đâu ngủ đó, chị cũng chẳng biết chị lớn như thế nào, chỉ biết năm 16 tuổi, khi cơ thể cũng phổng phao thì chị bị ép gả cho nhà giàu để trả nợ cho dì.

Lúc đầu chị cũng cự tuyệt, khóc và bỏ đi nhưng bị bắt được. Thế là chị tặc lưỡi phó mặc đời.

Các cô dâu thì thường háo hức kể về ngày cưới với những lời lẽ hoa mỹ và đáng tự hào.

Còn chị lại không dám nghĩ về cái ngày mà bắt đầu chuỗi bi kịch của mình.

Gia đình mà chị bị gả vào cũng chẳng khấm khá gì nhưng luôn thiếu vắng đàn bà nên ngày đầu khi dì chị dắt về bên ấy là chị đảm đương tất cả các công việc trong nhà, kèm thêm cả chuẩn bị nước tắm, rửa chân cho chồng và cha chồng.

Ngày nào chị cũng quần quật từ sáng tới tối, khuya còn được nhận thêm các trận đòn “tẩm bổ” khi chồng đi nhậu say về.

Chị cũng tính an phận hết quãng đời còn lại nhưng chuyện đời nào được như chị muốn.

Chị kể, một đêm trời mưa to gió lớn, chị đợi mãi như mọi ngày nhưng vẫn chưa thấy chồng về.

Cũng có chút lo lắng xen lẫn sợ hãi nên chị quyết đội mưa đi tìm.

Đi ra đến đầu làng thì chị thấy ảnh nằm co bên đường…

Thế là từ đó người ta bảo chị có số sát phu, cũng chính thức từ đó chị bị cha chồng tống khứ ra khỏi nhà không một chút đắn đo.

Chị bảo, chị cũng chẳng nhớ chị đã sống quãng thời gian đã qua như thế nào, nhưng tôi đoán chắc cũng đau thương không kém.

Bởi cho đến khi sinh ra đứa con gái khi vừa tròn 16 tuổi thì chị cũng chẳng biết cha nó là chồng chị hay con của anh phụ hồ cho chị ngủ ké vào đêm bị đuổi đi.

Mà với chị thì điều đó cũng không có nghĩa gì.

Ông trời đã cho chị 1 cuộc sống từ lúc sinh ra đã không trọn vẹn thì đến bây giờ dẫu có thêm bao nhiêu điều ngang trái thì cũng có hà gì.

Chị vẫn sống vẫn phải nuôi con, nuôi cháu, đứa con gái của chị –  nó cũng chẳng biết cha của con nó là ai…

Tiếng trẻ nhỏ khóc ré, kéo tôi về với thực tại.

Nén thở dài, tôi cũng chẳng thể giúp chị được gì ngoài việc thỉnh thoảng ghé làm tóc ủng hộ hoặc cho một vài thứ tôi mua được nhưng bảo là quà quê.

Vì chị sẽ ngại khi tôi mua cho chị.

Thỉnh thoảng, chị bảo như phán. “Phụ nữ ấy, cũng như đám lục bình thôi”.

Tôi tần ngần và tự ngẫm điều chị nói. Suy cho cùng thì chị cũng có lý.

Ai yêu lục bình thì thấy đẹp, thấy thích và đem về trồng, nâng niu, chăm sóc.

Ai thấy nó có ích thì lấy về cho heo ăn.

Ai không yêu hoặc không quan tâm thì cứ để nó trôi vô định.

Đám lục bình ấy, theo quy luật của cuộc sống, 1 là cứ trôi mãi, trôi hoài không biết sẽ về đâu.

Hai là kiếm được 1 chỗ bám víu, bám mãi sinh sôi nảy nở.

Cũng có những đám lục bình tự mình mọc những đám rễ thật dài và tự tạo cho mình một cuộc sống an yên giữa dòng sông chảy xiết…

Tôi cũng chẳng biết tôi và bạn thuộc đám lục bình nào nhưng cuộc sống vẫn trôi qua từng ngày.

Nó hối thúc chúng ta phải sống, phải cống hiến và hưởng thụ.

Đặc biệt là hãy yêu thương và trân trọng lẫn nhau.

Vì biết đâu trong dòng đời thăng trầm ấy, mỗi giai đoạn chúng ta sẽ là một cây lục bình khác nhau…

*Tử Huyên vô cảm*

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

DMCA.com Protection Status